Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Tích




A. Tam tòa Thánh Mẫu
I. Đệ nhất Địa tiên thánh mẫu
1. Thánh giá đệ nhất Sòng sơn – thánh mẫu Địa tiên – Liễu Hạnh công chúa
Sắc phong
Chế thắng hòa diệu đại vương – Khâm duy mã vàng bồ tát – tái cấp gia ban đệ nhất Quỳnh Hoa – đệ nhị Tiên nương – đệ tam Quảng hàn thượng đẳng tối linh thần – Mẫu nghi thiên hạ – Nam thiên bất tử.
Thần tích
Mẫu giáng sinh lần thứ nhất ngày mùng 6 tháng 3 năm 1434 ở Vị Nhuế, Nam Định, tên là Phạm Thị Nga; lần thứ hai năm 1557 tại làng An Thái, Vân Cát, Thiên Bản, Nam Định, tên là Giáng Hương; lần thứ ba ở Nga Sơn, Thanh Hóa.
Sau ba lần giáng sinh Ngọc Hoàng sắc phong Liễu Hạnh công chúa cùng bà Quỳnh bà Quế giáng trần ứng hiện, khâm sai tội phúc nhân gian. Bà ngự tại Phố Cát và phủ đồi Ngang. Sau đại chiến Sòng Sơn với quan binh nhà Lê, bà giác ngộ Phật pháp tu trì tịnh độ đắc đạo bồ tát hiển Phật thánh tiên thần. Triều đình cấp sắc tôn lập đền Sòng dưới chân đèo Ba Dọi nơi xưa bà thường ngắm cảnh dọn quán bán hàng trêu người cợt khách, phạt tội bọn bất nhân bất nghĩa.
Trải qua ba lần giáng sinh và tu tiên hóa Phật bà thường xuyên anh linh hiển hóa khắp Bắc Trung Nam, Đồng Đăng, Tuần Quán Yên Bái, Nghệ An, Tây Hồ, Huế, Buôn Mê Thuột, Nga Sơn, Sòng Sơn, Phủ Dày …
Bà là người con, người vợ, người mẹ mẫu mực, là ước mơ của nhân dân lao động và những người phụ nữ tảo tần Việt Nam. Sự hiện diện của bà là sự tổng kết cho nhân phẩm, ý chí, khẳng định sức sống và toàn năng của người phụ nữ Việt Nam. Sự hiện diện của bà còn là tinh thần yêu nước quật cường, khẳng định chân lý, bình đẳng, xây dựng đất nước, quê hương, con người tới đỉnh cao chân thực, từ bi và ái lạc.
2. Đền chính của Mẫu đệ nhất
Bà Liễu Hạnh được thờ phối hưởng ở tất cả các ngôi chùa ở miền Bắc – miền Trung, được tôn lập rất nhiều đền phủ và được nhân dân lập chân dung hình tượng tôn nhanh phụng sự tại nhà.
Sòng Sơn Thanh Hóa
Nơi đây là nơi chính thức khi hiển hóa và đã qua các lần giáng sinh sau “đại chiến Sòng Sơn” bà quy Phật và trở thành Mẫu nghi thiên hạ – Mã vàng bồ tát.
Đồi Ngang, Phố Cát, đền Rồng, đền Nước
Những nơi này là nơi giáng ngự khi còn là Thần Nữ nghĩa là chưa được triều đình và nhân dân tôn xưng.
Quần thể phủ Giày
Phủ Giày là nơi tương truyền bà giáng về hái rau muống cho con và thấy người trần phát hiện bà vội bay về trời để lại chiếc giày (sau được thành phủ Giày). Phủ Vân Cát là quê hương của bà; ngoài ra còn có lăng, phủ Công Đồng, phủ Bóng, phủ Thượng …
Đền thờ Mẫu ở Nga Sơn Thanh Hóa
Đền Đồng Đăng
Là nơi tương truyền bà mở quán bán hàng, trêu người quân tử.
Phủ Tây Hồ
Là nơi bà hiển giáng bình thơ với trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (cũng là người gặp bà khi đi sứ, dừng chân tại khẩu Đồng Đăng).
Điện Hòn Chén
Nơi các vua nhà Nguyễn tôn xưng thiết lập đền thờ.
Phủ Cấm
Là nơi bà giáng sinh lần thứ nhất ở Vị Nhuế, Nam Định.
3. Giá Mẫu đệ nhất trong hầu bóng
Về dung nhan tượng pháp
Dựa theo sắc phong danh hiệu thì Ngài ngự cả bốn màu sắc

3 Màu vàng – Mã vàng bồ tát, Địa tiên thánh mẫu
4 Màu đỏ hoặc hồng – Thiên tiên thánh mẫu
5 Màu xanh – Nhạc tiên thánh mẫu
6 Màu trắng – Thủy tiên thánh mẫu

Màu vàng là màu Ngài ngự theo Phật và theo dòng Địa tiên Khâm sai, là màu tối thượng và uy nghi cao nhất của Đạo Mẫu.
Hầu đồng giá Đệ nhất
Văn thỉnh:

7 Đường thứ nhất: Đệ nhất thiên thanh công chúa
8 Đường thứ hai: Đệ nhị địa tiên Sòng sơn công chúa
9 Đường thứ ba: Cung thỉnh mời Đệ nhất thiên tiên … vốn xưa thiên bản phủ Giày giáng sinh … vào cửa nhà Lê cải Trần … phòng loan kết nghĩa ái ân hai mươi mốt tuổi rẽ duyên trần phàm.
Khi hầu đồng chỉ cần thỉnh 1 trong 3 đường trên chứ không cần thỉnh hết 3 đường. Đường hay thỉnh nhất là đường thứ nhất.
Giá Mẫu là giá tối thượng, quy Phật và là giá hình mẫu, vì vậy theo tục lệ của Đạo Mẫu Ngài không khai diện mà chỉ ứng tráng bóng mà thôi. Sau khi ra tay dấu một ngón phía tay phải. Ngài làm lễ hương sống (hương chưa đốt) rồi xe giá.


II. Đệ nhị Thượng ngàn thánh mẫu
1. Thánh giá Đệ nhị thượng ngàn tiên chúa
Sắc phong
Đệ nhị thượng ngàn Na Bình công chúa – Lê Mại đại vương diệu tín thiền sư – Chế thắng hòa diệu đại vương thượng đẳng tối linh thần – Đệ tứ nhạc tiên Bạch Anh Quản Trưởng sơn lâm công chúa.
Thần tích
Bà Đệ nhị thượng ngàn được nhân dân ta thờ từ rất lâu, là mẹ rừng mẹ núi chúa của rừng xanh. Nhân dân tôn xưng bà Na Bình công chúa, tức bà Nguyễn Thị Na, con của Đức Thánh Tản cùng bà Mị Nương con vua Hùng Thứ 18. Sau khi Đức Thánh Phụ và Đức Thánh Mẫu được lệnh về trời, bà thay quyền cha mẹ cai trị rừng núi giúp dân chống thiên tai bão lũ, dạy dân các ngàng các nghề kiếm sống sinh nhai và chữa bệnh bốc thuốc cứu người.
Trải qua các đời bà thường hiển linh phù giúp triều đình và nhân dân.
Theo tương truyền bà lấy ông họ Đỗ ở Đồng Đăng hạ sinh được ông Đỗ Đống lấy bà Nguyễn Thị Tươi sinh ra 8 tướng phù giúp An Dương Vương, sau này hiển linh phù giúp Hai Bà Trưng và các đời Lý, Trần, Lê, người ta gọi là 8 tướng Sơn Trang.
Khi vua Lê Thái Tổ bị vây hãm ở Lam Sơn, vua kêu đến bà chúa thượng ngàn. Chúa đã hiện hình thành một vầng sáng hào quang như một ngọn đuốc tiên soi đường cho Ngài và chư quân tướng thoát khỏi vòng vây về núi Chí Linh. Sau khi lên ngôi, vua phong bà là Lê Mại đại vương diệu tín thiền sư. Nhân dân tôn xưng bà là Chúa thượng ngàn, Mẫu thượng ngàn, Đệ tứ nhạc sơn thánh mẫu. Bà thường giáng ở Tam Đảo, Ba Vì, Đồng Đăng, Đông Cuông, Bắc Lệ, Tuyên Quang.

2. Đền thờ chính của Mẫu Đệ nhị
Đền Đá đen, đền thượng – trung – hạ Ba Vì, đền Ba Cây, đền Tam Đảo, đền Đông Cuông, đền Bắc Lệ và các đền trên thượng ngàn.

3. Giá Mẫu Đệ nhị trong hầu bóng
Về dung nhi tượng pháp
Bà ngự tất cả màu sắc:

10 Màu vàng theo sắp xếp của Tứ phủ
11 Màu xanh theo sắp xếp lối thờ Tam tòa thánh mẫu
12 Màu trắng theo phong tục người Mường
13 Màu đỏ theo lối thờ Tam thập lục động, nghĩa là người đứng đầu các động Sơn Trang.
Hầu đồng giá Đệ nhị
Văn thỉnh:

14 Đường thứ nhất: Cung thỉnh Thánh Mẫu Đệ nhị thượng ngàn
15 Đường thứ hai: Cung thỉnh Đệ nhị thượng ngàn vốn xưa Mẫu ngự cao sơn thạch bàn giá lâm
16 Đường thứ ba: Cung thỉnh Thánh Mẫu thượng ngàn vốn xưa Mẫu ngự trên đền Đông Cuông
Mẫu thượng ngàn về đồng cũng như giá Mẫu Đệ nhất, chỉ tráng bóng chứ không loan giá ngự đồng. Khi về đồng, Ngài ra tay dấu hai ngón tay phải, sau đó lễ hương sống và xe giá.


III. Đệ tam Thủy cung thánh mẫu
1. Thánh giá Đệ tam thủy cung công chúa
Sắc phong
Đệ tam thủy tinh công chúa – Khâm Mông Ngọc nữ Động Đình hồ – Đệ tam xích lân long nữ Động Đình hồ.
Mẫu Thoải được hiểu như là Nam hải quan âm – Thủy tạng bồ tát – Hàn sơn thánh mẫu thượng đẳng tối linh thần – Chế thằng hòa diệu đại vương.
Thần tích
Thánh Mẫu đệ tam được nhân dân ta thờ rất lâu đời. Trong dân gian tương truyền Ngài vốn là con gái vua cha Bát Hải Động Đình (hiện nay là của Trung Quốc nhưng trước đay thì hồ Động Đình là của Việt Nam). Đến tuổi lấy chồng, vua cha gả cho Kinh Xuyên, tức thần ốc ở trên núi. Vợ chồng loan hợp hạnh phúc nhưng khi Kinh Xuyên lấy tiểu thiếp là Thảo Mai, Thảo Mai đặt điều cho tiên chúa. Kinh Xuyên nghe lời Thảo Mai, đầy tiên chúa vào rừng sâu núi thẳm để cho những loài ác thú ăn thịt. Khi ở trong rừng, có lúc chúa hiện hình thành long xà, khi thì thành mỹ nhân trút sầu với cỏ cây hoa lá. Lòng từ bi của tiên chúa khiến không một loài ác thú nào xâm hại đến bà mà chúng còn nghe lời bà.
Thoắt mười đông một mình vò võ mang nỗi u sầu trong chốn rừng xanh, bỗng rồi Ngài gặp Liễu Nghị, chàng thư sinh xuống kinh đô để thi. Qua lời tham vấn của Liễu Nghị và lời tỏ bày của tiên chúa về nỗi oan tình, Liễu Nghị đã nhận lời đưa thư cho bà và “dặn chàng ra mãi biển Đông lấy kim thoa gõ vào cây ấy” (tức cây ngô đồng). Dưới thủy tề biết là có chuyện, cho sứ giả lên xem. Chàng kể lại sự tình rồi được đưa xuống thủy cung vấn kiến. Vua cha nổi trận lôi đình bắt Kinh Xuyên chịu tội, Thảo Mai tra hình và ban cho tiên chúa kết nhân duyên với Liễu Nghị.
Dựa trên cơ sở thần tích ấy và lòng tín ngưỡng của nhân dân ta với Thủy tổ, Thánh Mẫu đệ tam được huyền hóa, tái hiện trong các triều đình phong kiến như Mẫu đền Cờn, Mẫu Hoàng thiên thần khí nước Nam (vốn thác sinh nhập vào cây gỗ ở dưới nước), Mẫu Thoải ở Bắc Ninh là thần thủy cung thời Lý, Mẫu Thoải thời Trần là bà bán nước chè giúp Đức Thánh Trần giết Phạm Nhan, một nhân tướng đầy ma thuật của quân Nguyên. Bà Vũ Nương ở Lý Nhân, Nam Hà và bà Nguyễn Thị Châu (tức Châu nương) ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đời Lê – Nguyễn tôn xưng Mẫu Hàn sơn. Trải qua các đời, Mẫu Thoải được huyền hóa nhưng vẫn lấy tích chung theo “Liễu Nghị thư”.

2. Đền thờ chính của Mẫu đệ tam
Đền Bắc Ninh, đền Nước, đền Cờn, đền Kỳ Anh, đền Lý Nhân, đền Mẫu Thoải Gia Lâm, đền Lộ, đền Rầm, đền Sở, đền Cửa sông và các cửa sông cửa biển.

3. Giá Mẫu đệ tam trong hầu bóng
Về dung nhi tượng pháp
Ngài ngự áo trắng (màu sắc này được thị hiện cả trong sách cúng và lối thờ Tam tòa).
Hầu đồng
Văn thỉnh:
Đường thứ nhất: Thỉnh mời Thánh Mẫu đệ tam lai lâm trác giáng bản đàn hôm nay.
Đường thứ hai: Cung thỉnh Thánh Mẫu đệ tam xích lân long nữ giáng đàn hôm nay.
Đường thứ ba: ?????????????????
Bà về đồng cũng như giá Mẫu đệ nhất và đệ nhị, ra dấu ba ngón tay phải, làm lễ hương chín (nghĩa là hương đã cháy), xe giá.
B. Ngũ vị hoàng thái tử Vương Quan
I. Quan lớn đệ nhất
1. Đệ nhất thượng thiên hoàng thái tử Vương Quan
Ngài vốn là Đức Thánh Cả, phó tướng phù giúp Đức Thánh Gióng, sau này Ngài huyền hóa thành Thần Rắn dưới long cung lên trần gian phù giúp vua Hùng và Đức Thánh Tản.
Theo dân gian Ngài là con giời được Thái hậu bà sinh ra ngày mùng mười tháng một năm Bính Dần (tháng một tức tháng mười một al), được phái xuống làm con vua cha Bát Hải, hiện hóa lên trần gian phù giúp nhân dân và các đời vua Hùng. Ở trần gian Ngài là anh ruột Quan đệ nhị và đệ tam. Đời trước Ngài ở Vân Đình và thác ở sông Đáy, Vân Đình. Đời sau Ngài hạ sinh ở Nam Ninh nhưng sống và thác ở Thái Bình. Sau cùng Ngài lại giáng ở Nam Ninh, sống và thác tại đó. Tên húy của Ngài là Nguyễn Hồng Liệt.
2. Phong danh hiệu
Dân gian gọi là Đức Thánh Cả, là Tôn quan đệ nhất. Tước phong Đào tiên đệ nhất – Điều thất hoàng thái tử Vương Quan thượng đẳng tối linh thần. Danh hiệu vua phong Tham nghị triều chính Vương Quan.
Ngài trực tiếp hầu cận bên phải đền vua cha Bát Hải Động Đình (đền Đồng Bằng) thay quyền và đại diện cõi nhân gian, thừa hành Tam giới, tâu đối tội phúc nhân danh cõi thượng thiên (trên trời).
3. Loan giá ngự đồng
Theo quan niệm của Đạo Mẫu, dân ta cho hàng đệ nhất là hàng đi tu. Vì vậy khi ngự đồng Ngài chỉ chứng đàn phủ chứ không làm việc và hiến tửu, trừ khi mở phủ Kim chi đôi nước.
Khi văn thỉnh: Đệ nhất Tôn quan …, đồng nhân ra tay dấu một ngón phía bên trái sau đó tung khăn. Ngài ngự áo đỏ, nét đỏ, mạng đỏ, đai đỏ, hành lễ khai quang và chứng sớ.
Khánh tiệc Ngài vào ngày 24-8 (al).

II. Quan lớn đệ nhị
1. Quan đệ nhị Giám sát
Ngài vốn là Đức Thánh Thượng, là con giời được hạ giáng xuống thoải cung thành Thần Rắn, sau đó qua các đời thường hiển hóa lên trần gian. Đời vua Hùng thứ 6, phù giúp Đức Thánh Gióng đánh giặc Ân, thác hóa tại Vân Đình. Sau này hạ sinh ở đất Nam Ninh vào nhà họ Nguyễn tên là Nguyễn Chiêu Minh, phù giúp Đức Thánh Tản.
2. Sắc phong
Nhạc thần đại vương – Đô đài giám sát – Đệ nhị thượng ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần.
Đền Ngài phía tay trái đền Đồng Bằng và được thờ trấn ở Tây Bắc Lào Cai, Đông Bắc Lạng Sơn, phía Nam Phố Cát.
3. Loan giá ngự đồng
Văn thỉnh: Thỉnh mời đệ nhị Tôn quan …
Ngài ra tay dấu hai ngón phía tay trái, mặc áo xanh, mạng xanh, nét xanh, đai xanh; làm lễ khai quang, chứng sớ, múa kiếm, an tọa và ngự tửu. Dân gian thường cho Quan là vị Giám sát trên thượng ngàn chuyên cấp tài lộc sơn lâm nên thường dâng kim ngân trần gian (tiền thật) để Ngài chứng (tức mở kho).
Khánh tiệc Ngài ngày 2-1 al (tức tháng 11).

III. Quan lớn đệ tam
1. Đệ tam hoàng thái tử Vương Quan
Ngài là Đức Thánh Trung, hiển hóa thời vua Hùng thứ 6 tại Vân Đình. Đến đời vua Hùng thứ 18, Ngài giáng vào họ Nguyễn ở Nam Ninh, phù giúp Đức Thánh Tản. Tên húy Ngài là Nguyễn Tráng Kiện.
Sau này, người ta thường lấy tích Ngài là Thần Rắn được thờ ở Lảnh Giang, Nam Hà. Tích xưa nói rằng Ngài được Mẫu bà hạ sinh trong một bọc trứng. Mẫu bà vứt xuống sông, bọc trứng nở thành 3 ông Rắn. Một ông bơi về Thái Bình, một ông bơi về Hưng Yên, một ông bơi về quê nơi Mẫu ở. Sau khi vua Hùng thứ 18 hiệu triệu 3 vị Thủy thần lên giúp nước, 3 ông trở thành 3 vị tướng giúp đỡ triều đình và nhân dân, sau hóa tại quê nhà, tức Lảnh Giang ngày nay.
2. Sắc phong
Thủy tào điển sứ – Đệ tam thủy thần nhạc đại vương thượng đẳng tối linh thần.
Đền thờ Ngài được lập ở Lạng Sơn, Hưng Yên, Nam Hà và các cửa sông. Đền Ngài còn ở Thái Bình đằng sau đền Đồng Bằng phía đường 10 đi Hải Phòng.
3. Loan giá ngự đồng
Văn thỉnh: Thỉnh mời đệ tam Tôn quan …
Ngài ra dấu 3 ngón tay trái, mặc áo trắng, mạng trắng, đai trắng; làm lễ khai quang, chứng sớ kim ngân, múa kiếm, ngự tọa, hiến tửu thuốc, nghe văn, chứng lễ, phán truyền nhân gian.
Khánh tiệc Ngài ngày 24-6 al.

IV. Quan lớn đệ tứ
1. Quan đệ tứ Khâm sai quyền cai Tứ phủ
Ngài hạ sinh thời vua Hùng, tức Đức Thánh Hạ thác hóa ở Vân Đình. Sau này, Ngài hạ sinh trên tảng núi ở Chí Linh, Hải Dương dưới chân long cung ngũ nhạc. Ngài phù giúp nhà Trần, nhà Lê, dân gian gọi là vị quan kim chi đôi nước (nghĩa là cả tam tứ phủ lẫn nhà Trần). Húy Ngài là Thiên Hựu đại vương.
2. Sắc phong
Thiên Hựu đại vương thượng đẳng tối linh thần.
Đền thờ Ngài ở đền Mẫu Sinh và đền Thánh Hóa. Đền thờ Ngài còn ở sau đền Đồng Bằng phía đường 10 đi Hải Phòng.
3. Loan giá ngự đồng
Văn hát: Thỉnh mời Đệ tứ tôn quan…
Ngài ngự đồng ra tay dấu bốn ngón phía tay trái, mặc áo vàng, nét vàng, mạng vàng, đai vàng; làm lễ khai quang, chứng sớ (Ngài là vị quan Khâm sai quyền cai Tứ phủ nên khi ngự đồng chỉ làm những việc chính như chứng sớ, kiểm lại sớ Tứ phủ chứ không múa kiếm trừ khi mở phủ kim chi đôi nước). Giá Ngài không ngự vui mà chỉ làm việc xong là xe giá, vì vậy theo quan niệm xưa không phải là đồng thầy, đồng đền thủ nhang, thanh đồng bóng cựu kim chi đôi nước thì cũng không được loan giá Ngài về đồng.
Khánh tiệc Ngài vào ngày 15-5 al.

V. Quan lớn đệ ngũ
1. Quan đệ ngũ Tuần Tranh
Quan giáng sinh từ thời vua Hùng thứ 6 hiệu là Đức Thánh Tiếu. Sau này Ngài giáng sinh thời vua Hùng thứ 18 phù giúp Đức Thánh Tản.
Theo tương truyền Ngài quê ở Ninh Giang, Hải Dương ngày nay. Ngài là em rể của Quan lớn đệ tam. Khi Quan đệ tam đi xứ, bọn nịnh thần đố kỵ đổ cho Ngài gian dâm với chị vợ có thai, vua Hùng đầy Ngài ra biên giới. Ở nơi rừng thẳm chốn kỳ cùng, Ngài đã thác hóa cùng lời thề với trời xanh “xin dòng suối này nước chia đôi dòng từ đây”. Sau khi về giời dây oan của Ngài hóa thành đôi Bạch Xà về chốn quê hương, được 2 ông bà nông dân nuôi dưỡng. Vì rắn càng ngày càng lớn mà gia cảnh thì nghèo nên ông bà phải đi ăn trộm cho rắn ăn và bị nhân dân bắt được nộp lên quan. Ông bà thật thà kể lại mọi chuyện. Quan bắt ông bà nộp rắn nhưng khi quan quân đến thì đôi Long Xà rẽ nước xuống thủy cung rồi nổi trận phong vân ầm ầm, Quan lớn Ngài thị hiện. Dân chúng biết Ngài bị oan lập đền thờ phụng sự.
Sau này Ngài hóa thân thành thần Núi phù giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, tạo nỏ thần bách chiến bách thắng nhưng rồi một lần nữa Ngài bị nịnh thần ám hại. Khi thác hóa Ngọc Hoàng cho Ngài là thần cai quản phía Đông Nam và Nam nước Việt.
Khi đô hộ Tàu đi dẹp giặc Chiêm Thành qua sông Tranh, Ngài đã hiển linh và đô hộ đã phong tước lập đền thờ Ngài. Đến triều hậu Lê, Ngài thị hiện thành tướng quân Trần Nguyên Hãn nhưng kết cục cũng phải đắm mình xuống sông. Đến thời sau lập đàn tràng giải oan cho các công thần thời hậu Lê ở chùa Côn Sơn trên núi ngũ nhạc: đào giếng rồng, lấy nước sông Kỳ Cùng để tắm ngọc Côn Sơn và từ đó hình thành long cung ngũ nhạc, Nam Bang thống nhất thánh cũng bắt đầu sinh ra.
Ngài đã trở thành bất tử, không còn phải oan ức nữa và công lao của Ngài được truyền tụng vĩnh hằng.
2. Sắc phong
Đệ ngũ tôn quan thượng đẳng tối linh thần – Cao Lỗ đại vương – Đệ ngũ Tuần Tranh
Ngọc Hoàng ban cho Ngài thống lĩnh thiên địa binh, thay quyền tam tứ phủ đại diện cho con người (nhân vi chúa tể), thu chấp kim ngân tài mã, giải oan nghiệp sớ cho trần gian.
Đền Ngài được lập ở Lạng Sơn, Ninh Giang và các cửa sông vùng duyên hải.
3. Loan giá ngự đồng
Văn hát: Thỉnh mời Đệ ngũ tôn quan…
Ngài ra tay dấu 5 ngón phía tay trái, mặc áo xanh nhạt hoặc tím than, mạng, nét, đai cùng màu áo; múa đao (bên cán đao thắt một bông hoa bằng khăn hồng hoặc đỏ), ngự tửu thuốc, nghe văn, chứng lễ, phán truyền. Ngoài làm lễ khai quang, Ngài còn chứng sớ vàng mã, kiểm duyệt sớ sách…
Khánh tiệc Ngài ngày 25-5 al.

C. Thập nhị Tiên nương – nhị vị Quỳnh Quế công chúa
I. Nhị vị Quỳnh Quế công chúa
Quỳnh hoa công chúa, Quế hoa công chúa là tướng của Hai Bà Trưng, sinh ra ở đất Hà Giang, theo Hai Bà khởi nghĩa, khi bị cùng đường đã chạy về quê nhà và tự vẫn xuống sông Lô.
Hai bà hiển linh ứng hầu Mẫu tam tòa. Ngọc Hoàng sắc phong Quỳnh hoa công chúa, Quế hoa công chúa.
Khi nhà Trần đi qua sông Lô thấy miếu ven đường (tức đền Tam Cờ ngày nay và đền Cấm, núi Dùm) vào bái yết cầu đảo, được hai bà phù giúp sau khi thắng trận sắc phong nhị vị tiên nương thủy cung công chúa.
Hai bà hầu cận Mẫu cửu trùng và Mẫu tam tòa. Nhân dân ta tôn xưng là Quỳnh nương Quế nương công chúa. Hai bà là sự hóa thân của tam giới Thiên, Thượng, Thoải nên ở môi trường nào thì phong Ngài theo màu sắc của môi trường đó.
Hai bà là con trời giáng sinh xuống hạ giới thượng ngàn, thác sinh xuống thoải cung (con của mẹ rừng về với cha nước) chứ không phải như một số nhà nghien cứu cho rằng đền Dùm thờ Mẫu Thoải, đó là đi ngược với quan niệm tiền cổ của dân gian (là đi lễ Mẫu Thượng ở Tuyên Quang).

II. Thập nhị Tiên nương
Mười hai vị chầu bà cai quản khắp trên rừng dưới nước, khắp bốn phương tám hướng trên đất Việt Nam ta.

1. Chầu bà đệ nhất – Đệ nhất thượng thiên công chúa
Chầu bà đệ nhất được dân ta huyền hóa qua đời thứ nhất mẫu Liễu giáng ở Vị Nhuế, Nam Định.
Ngài là hiện thân của Thánh Mẫu đệ nhất, thuộc dòng đi tu, ít khi ngự đồng. Trang phục của Ngài là áo đỏ khăn hồng (khăn buồm). Ngài làm việc trong nội cung phủ Giầy.
Sắc phong Đệ nhất hoa nương công chúa làm việc thượng thiên – Đệ nhất thượng thiên công chúa.
2. Chầu bà đệ nhị
Chầu bà đệ nhị thượng ngàn công chúa theo dân gian tương truyền là con gái gia đình người Mán ở Đông Cuông, tên húy là Lê Thị Kiệm, vợ của ông Hà Văn Thiên, người Tày được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông.
Bà giúp dân lập ấp, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh cứu đời. Khi tạ thế bà thường hiển linh giúp dân và những người thuyền chài lái buôn ngược xuôi sông Thao gặp hoạn nạn. Nhân dân lập miếu thờ bà, mỗi lần qua đó đều phải bái yết.
Bà là hóa thân của Mẫu đệ nhị của chúa. Bà là hình mẫu của dân ta trên cõi thượng ngàn. Quyền của chầu bà là cai quản 36 động sơn trang đất được sắc phong là Đông Cuông, Tuần Quán, Bảo Lạc, Hà Giang, Tuyên Quang.
Chầu bà hạ sinh vào giờ dần ngày Mão tháng giêng năm Thân. Có tích nói ngày Mão tháng Mão năm Thân thuộc thời Lê là con vua Đế Thích thiên đình.
Văn thỉnh: Dâng văn tiên thánh thượng ngàn Đông Cuông Tuần Quán giáng đàn hôm nay …
Chầu về đồng ra tay dấu hai ngón tay phía bên phải, mặc áo xanh người dân tộc chít khăn buồm. Khai quang và làm lễ bằng quạt múa song đăng chứng vàng thoi núi, múa tay tiên đai thắt màu xanh kiềng bạc hoa tai dao quay túi vóc là một trong tứ phủ chầu bà về để nhận lễ nhận đồng chứ không sang khăn. Ngài ngự đồng hiến thanh thủy hoặc … chứng hoa quả lương thực lễ vật và ban phát cho bách gia.
Ngày tiệc của Ngài là ngày Mão đầu tiên của năm.
3. Chầu bà đệ tam
Đệ tam thủy tinh công chúa là sự hiện hóa của Mẫu đệ tam.
Văn hát: Thỉnh mời đệ tam công chúa …
Ngự đồng áo trắng khăn buồm trắng, ra tay dấu 3 ngón phía bên phải. Làm lễ chứng đàn, khai quang (không múa), ít ngự, thường ai có căn giá chầu (có nghĩa là hoàn cảnh gia đình tình duyên trắc trở như cuộc đời của chầu) thì mới hầu.
Đền thờ chầu ở đền Rồng, đền Nước, đền Hàn Thanh Hóa, đền Mẫu Thoải Lạng Sơn và các cửa sông cửa bể.
4. Chầu bà đệ tứ
Đệ tứ tùy tòng công chúa theo tương truyền là bà Chiêu Dung công chúa, là tùy tướng của Hai Bà Trưng, một trong tám tướng hồng nương. Chầu mặc áo vàng chít khăn buồm, hiện có đền chầu ở phủ Giầy, đền Cây Thị Thanh Hóa, Đền Thượng Lào Cai, đền chầu đệ tứ Gia Lâm.
Chầu là tùy tòng hầu cận bên Mẫu tam tòa, làm việc nội cung quản lý sổ sách trần gian.
Văn thỉnh: Đệ tứ tùy tòng Chiêu Dung công chúa ngự đồng …
Chầu ngự đồng ra tay dấu 4 ngón phía bên phải. Làm lễ khai quang chứng đàn ngự tọa xe giá. Người nào có căn giá mới hầu Ngài.
5. Chầu đệ ngũ suối Lân
Tương truyền Ngài là công chúa thời Lý, tu trên suối Lân (không biết trong hoàn cảnh nào). Chầu bà có công với dân với nước các đời Trần, Lê, Nguyễn qua đó đánh giặc Ngài hiển linh. Chầu độ cho nhân dân và dân buôn bán khách lữ hành qua đường thiên lý đền thờ Chầu hiện nay ở cửa Rừng suối Lân. Các triều đại gia phong anh hùng liệt nữ.
Bà ngự đồng mặc áo xanh chít khăn chữ nhân ra tay dấu 5 ngón phía bên phải làm lễ khai quang bằng quạt và múa mồi múa tay tiên, đi chợ …
6. Chầu lục cung nương (Mế lục cung nương, lục cung đô thống)
Theo tương truyền Chầu là con gái tù trưởng người Nùng Hữu Lũng Lạng Sơn, mẹ là công chúa nhà Trần, hạ sinh vào thượng tuần tháng 9 ngày 10 năm Thân. Chầu là hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh, con vua cha Ngọc Hoàng, làm rơi chén ngọc nên bị đầy xuống trần gian 15 năm. Khi đến tuổi lấy chồng Chầu bị ép duyên lấy tướng giặc Nguyên. Chầu đã lên đỉnh núi hóa thân, khi mọi người biết thì xác bà đã bị mối xông thành mộ. Chầu hiển linh độ cho dân chúng và quan quân triều đình. Khi tháng trận đất nước thái bình bản làng mở hội xuân, nam thanh nữ tú cùng nhau đua thuyền, Chầu đã hiện về giữa hội. Các bản làng thấy Chầu anh linh tôn nhang phụng sự người Kinh người Mán người Mường người Nùng đến phục tình làm tôi. Những dân buôn qua đó, những khách lữ hành đều phải bái yết dâng hương. Bà ứng đồng bói linh chữa quyết trăm việc đều ứng ngàn việc đều linh.
Ngọc Hoàng sắc phong Chúa lục cung nương khâm sai các động các tòa lục bộ đô thống đều có tên Ngài vào ra tâu đối nhận đồng sang khăn tiễn đàn sơn trang đều quyền Chầu lục. Sắc phong Lục cung tiên chúa thượng đẳng tối linh thần.
Văn hát: Thỉnh mời chầu lục cung nương…
Chầu về đồng ra tay dấu 6 ngón, chít khăn củ ấu, mặc áo tím hoặc áo chàm đen. Làm lễ khai quang, chứng đàn, tiễn đàn nhận đồng, múa mồi tay tiên tán trầu cau sang khăn. Đền thờ Chầu ở Hữu Lũng Lạng Sơn, Cây Xanh Tuyên Quang.
7. Chầu bảy Tân La
Theo tương truyền Chầu là tướng của Hai Bà Trưng hạ sinh ở Mỏ Bạch Thái Nguyên, khi thất thế Chầu hóa thân tại Tân La Hưng Yên.
Chầu anh linh giúp dân giúp nước, các đời truy tặng anh hùng liệt nữ. Đền thờ Chầu ở Tân La, Mỏ Bạch…
Văn hát: Thỉnh mời chầu bảy Tân La…
Ứng đồng ra tay dấu 7 ngón, ngự áo vàng hoặc áo trắng, khăn chít củ ấu, đeo cờ kiếm ở đằng sau, múa kiếm (nếu múa mồi thì không đeo cờ kiếm). Làm lễ khai quang. Chầu bà ít ngự đồng, ai có căn quả mới giáng.
8. Chầu bát
Chầu tám thượng ngàn, Bát nàn đại tướng Đông Nhung quê ở vùng Phượng Lâu Bạch Hạc. Chầu dấy binh khởi nghĩa theo Hai Bà Trưng, sau khi thất thủ Chầu rút chạy từ Đồng Mỏ về Thái Bình ẩn náu trong chùa Tiên La. Khi giặc Hán phát hiện đã bao vây, Chầu quyết một lòng kiên trung mở đường máu tử tiết ở giữa sân chùa anh linh đã dậy tiếng đồn khắp bốn phương nức tiếng âu ca đá vàng ghi tạc sử xanh muôn đời, trải qua các triều đại sắc phong anh hùng liệt nữ. Chầu về đồng mặc áo vàng chít khăn củ ấu, ra tay dấu 8 ngón, lưng đeo kiếm cờ khai quang múa kiếm múa cờ.
Đền thờ Chầu ở Lạng Sơn (nơi Chầu đánh trận và để lại lá cờ thần), ở Tiên La Thái Bình (nơi Chầu ẩn náu và tiết khí hi sinh).
9. Chầu cửu
Chầu là hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh qua các đời thi hiện cứu dân độ quốc bói linh chữa quyết hiển linh hiển ứng.
Giá ngự đồng khăn buồm áo hồng,ra tay dấu chín ngón, làm lễ khai quang và xe giá. Chầu ít khi ngự đồng chỉ người căn giá Chầu mới hầu.
10. Chầu mười Đồng Mỏ
Mỏ ba công chúa là con gái tù trưởng ở đất Đồng Mỏ. Sinh thời Chầu giỏi võ và kiếm cung, khi vua Lê Thái Tổ hiệu triệu toàn dân đánh giặc, Ngài đã chiêu binh ra sức giúp triều đình. Sau khi giặc tan triều đình phong công. Chầu giúp dân lập ấp tế trợ cứu bần. Đến mùa thu Chầu mãn hạn về tiên. Triều đình phong tặng anh hùng liệt nữ, tiếng Chầu anh linh biến hiện khắp Bắc Trung Nam xa gần nô nức trảy hội Mỏ ba. Chầu được Ngọc Hoàng sắc phong Khâm sai bốn phủ – một trong những vị Chầu tối linh được nhân dân và con nhang đệ tử phụng sự loan giá.
Chầu về ngự áo vàng khăn chữ nhân, ra tay dấu 10 ngón, lưng đeo kiếm cờ múa kiếm múa cờ ngự đồng loan giá phán chỉ thông truyền chứng lễ hoa quả lương thực.
Đền thờ Chầu ở Chi Lăng Đồng Mỏ.
11. Chầu bé Bắc Lệ
Chầu bé Bắc Lệ công chúa là con gái người Nùng ở Hữu Lũng Lạng Sơn, bị giặc cưỡng bức đã hòa mình xuống sông Bắc Lệ. Chầu anh linh giúp dân giúp nước độ người viễn sứ tha hương, lúc lại hiện hóa ra người bán hàng, chữa bệnh.
Ngài là hiện thân của Mẫu đệ nhị thượng ngàn. Có lúc Ngài khăn hồng áo thắm, lúc lại mặc áo mường bi, lúc áo màu lam, lúc lại trở về áo chàm đen, khăn quấn vòng dây, khăn xếp người Nùng, khăn chữ nhân, củ ấu.
Văn hát: Thỉnh mời Chầu bé Bắc Lệ…
Chầu ngự đồng thường mặc áo chàm xanh, chàm đen, chít khăn chữ nhân, lưng đeo gùi, múa mồi, ra tay dấu ngón út bên phải. Chầu là một trong tứ phủ Chầu bà khâm sai quyền chấm lính nhận đồng.
12. Chầu bà bản đền
Bản Đền công chúa tức thủ điện công chúa là hiện thân của các vị thánh Mẫu tùy vào bản đền đó và địa phương mà Ngài thị hiện, vì vậy Chầu về đồng các màu sắc, thường người hầu Chầu thủ đền vào đầu năm thì mặc áo hồng khăn hồng, cuối năm thì mặc áo xanh khăn xanh.
Hiện nay người ta không hầu và cũng không biết đến giá Chầu nữa nhưng văn Chầu thủ đền và một số nơi vẫn được lưu giá và hầu Ngài.

III. Mười hai vị chầu bà và nhị vị Quỳnh Quế công chúa hiện hóa khắp Bắc Trung Nam anh linh lừng lẫy. Hiện nay một số nhà nguyên cứu có nói đến Chầu bé Thoải. Vị đó trong Đạo mẫu không có cũng như trong giới đồng bóng từ xưa đến nay. Không biết họ “bịa” ở đâu ra. Ngoài ra còn có một vị giáo sư nổi tiếng nói rằng chúa Thác là Chầu bà đệ Tam thì không hiểu ông ấy là giáo sư gì, nghiên cứu gì. Lại còn thêm 3 từ “Mẫu Lâm Cung”, chưa ai nghe thấy những từ này. Đó là kiểu phân tích nghiên cứu theo cảm tính và sáng tác ngôn từ mới.
Các Chầu là những anh hùng liệt nữ mang đủ phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh, là những linh hồn bất tử sống mãi mãi ngàn đời, là những tấm gương sáng soi cho người phụ nữ Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Vì vậy chúng ta phải bám sát vào những người hành đạo chứ không phải kiểu nghiên cứu hời hợt, cho ta là có học, thích viết gì thì viết (nếu vị nào như vậy chẳng may đọc được sách của tôi thì cố gắng học lại văn hóa dân gian).
D. Thập vị Ông Hoàng
Thập vị hoàng tử đều được quy về làm con vua cha Bát Hải Động Đình, đều hầu vua cha ở đền Đồng Bằng
1. Thánh ông Hoàng Cả
Tên húy Ngài là Đoàn Thượng ...
Sắc phong tước hiệu Đông hải Đại vương.
Đền thờ ở Lý Nhân, Nam Hà nhưng đã bị phá, nay được thờ phối hương với đền thờ bà Vũ Nương và ở đền Trung suối Mỡ (Bắc Giang).
Ngài hầu Mẫu ở Phủ Dầy, ít khi ngự đồng. Dân gian gọi Ngài là ông Hoàng Cả, làm việc thượng thiên. Ngài về đồng ngự áo đỏ, đi hài, mạng chéo hoa thị, thắt khăn mỏ rìu lối cổ hoặc nét đỏ. Ngài thuộc dòng đệ nhất đi tu nên sau khi làm lễ khai quan, Ngài ngự, phàn truyền, xe giá (chứ ko đi hèo, hiến tửu thuốc như hiện nay).
Ngài có công với nhà Lý, sau chống đối với nhà Trần, về lập ấp ở Phủ Lý, Hà Nam. Ngài có công trị thủy giúp dân. Sau khi tịch diệt, nhân dân lập miếu thờ Ngài. Sau khi vua Trần Nhân Tông tu trên Yên Tử, về giảng đạo tại quê hương Nam Trường, đã sang Lý Nhân giảng đạo cho nhân dân. Đêm trước khi Đức Phật Hoàng sang để giảng đạo, Đức Hoàng Cả đã báo mộng cho dân thôn biết là ngài mai có vị Bồ tát đến giảng pháp và Ngài đã quy Phật… Sau này “Nam Bang thống nhất thành” Ngài ngự dòng thượng thiên, đứng đầu thập vị hoàng tử con vua cha Bát Hải Động Đình.
2. Thánh ông Hoàng Đôi
Tên húy Ngài là Nguyễn Hoàng Triệu.
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng thần.
Đền thờ Ngài ở Thanh Hóa (đền ông Hoàng Triệu), ở Hà Nội (đền Hoàng ở Chèm).
Ngài hầu Mẫu ở đền Sòng và Phố Cát, Đồi Ngang, làm việc thượng ngàn, giám sát. Ngài là 1 trong 4 vị Khâm sai thay quyền bốn phủ đi chấm lính nhận đồng. Ngài ngự áo xanh theo sắc phong của bốn phủ, chít khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi mạng chéo, đi ghệt tay và ghệt chân, múa hèo. Sau khi làm lễ khai quang, Ngài đi hèo ngự tọa, hiến tửu, nghe thơ, ban phát lộc tài. Trước đây những đồng già, chủ nhang, đồng đền, đạo trưởng mới được hầu Ngài để phân rõ cấp bậc trong đồng bóng chứ không lộn xộn như bây giờ.
Ngài hạ sinh vào triều Lê Trung Hưng, là con của dòng chúa Nguyễn, là anh ruột của ông Hoàng Bảy. Ngài phù nhà Lê diệt Mạc, dẹp giặc trấn vùng biên ải; sau đó về tại quê nhà Thanh Hóa, phủ Triệu Tường và tịch diệt. Nhân dân gọi Ngài là ông Hoàng Triệu. Đất Triệu Tường gọi Ngài là ông lớn Triệu Tường (quan Hoàng triều). Dân gian trong đạo gọi Ngài là ông Hoàng Đôi.
Hiện nay rất nhiều người nhầm lẫn giữa ông Hoàng Đôi và ông Hoàng Triệu, thực ra đó chỉ là một. Do không hiểu biết, những bà đồng mù quáng đã biến Thiên Quan Hoàng Triều lên tương đương hàng Ngũ vị Tôn Quan trong đạo Mẫu. Như vậy là hoàn toàn sai. Ngưỡng mong các vị nên tôn trọng đạo pháp mà điều chỉnh lại cho đúng pháp môn.
3. Thánh ông Hoàng Bơ
Tên húy của Ngài là Tống Khắc Bính, là thái tử con vua Nam Tống
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần.
Đền thờ Ngài ở Thanh Hóa gần đền cô Tám. Đền thờ chính của Ngài là ở trên núi nhìn ra biển ở cửa Cờn, ngày nay người ta chuyển thành thờ ông Hoàng Chín.
Ngài hầu Mẫu ở đền Cờn, mẫu Hàn Sơn Thanh Hóa, làm việc thoải cung, là 1 trong 4 vị Khâm sai thay quyền vua Mẫu bốn phủ đi bắt lính nhận đồng. Ngài ngự áo xanh theo sắc phong bốn phủ, chít khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt tay ghệt chân, thắt đai vàng thành hoa trước ngực, múa hèo. Sau khi làm lễ khai quang, Ngài đi hèo ngự tọa, hiến tửu, nghe thơ, ban phát lộc tài. Đầu năm tháng Giêng, người ta hầu Ngài ngự áo đỏ khăn đỏ chứ không như bây giờ, mặc áo trắng. Có người lý luận rằng áo Ngài thì Ngài mặc nhưng trong tâm linh Việt Nam cho màu trằng là màu buồn nên đầu xuân kiêng mặc áo trắng.Như vậy mới là hóa thân bất tử giữa trần và âm. Đó là phong cách chứ không phải là sự đơn thuần.
Ngài hạ sinh vào thời Nam Bắc Tống phân tranh. Sau khi nhà Nam Tống bị nhà Bắc Tống đánh bại, Ngài dong thuyền ra biển Đông và thác hóa. Thân y trôi vào cửa Cờn được ông Hoàng Chin lúc bấy giờ đang tu ở đó vớt lên chôn cất. Sau này Ngài phù Lý, Trần anh kinh hiển hách được nhân dân gọi là ông Hoàng Bơ Thoải. Đền thờ Ngài hiện nay đã bị những kẻ vô học chuyển thành đền ông Hoàng Chín. Ngưỡng mong những nhà nghiên cứu cũng như những người có chức có quyền và chức đồng đạo sớm trả lại đền thờ của Ngài theo đúng nghĩa.
4. Thánh ông Hoàng Tư
Tên húy của Ngài là Nguyễn Hữu Cầu.
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần, Thủy Cung hoàng tử.
Đền thờ Ngài ở Đồ Sơn. Nhân dân thường gọi là miếu Thủy thần.
Ngài hầu Mẫu phủ Dầy, làm việc tùy tòng (bảo vệ theo hầu vua Mẫu). Ngài ngự áo vàng, khăn chít mỏ rìu, mặc áo trần thủ, mạng chéo, đi cờ kiếm. Ngài ít khi ngự về đồng. Sau khi ngự đồng làm việc, Ngài xe giá. Những người căn kim chi và căn lục bộ khâm sai mới ngự đồng Ngài.
Ngài hạ sinh vào triều Lê. Quê hương Ngài ở Hải Dương.
Ngài khởi nghĩa chống lại triều đình, sau đó bị dập tắt. Thân y của Ngài bị thả ra biển dạt vào Trà Cổ. Đội quân của Ngài nhân dân gọi là nghĩa quân He. Lễ chọi trâu là lễ hội được Ngài lập nên: trong lúc chuẩn bị mổ trâu khao quân thì Ngài thấy 2 con trâu lao vào chọi nhau. Khi Ngài tịch diệt nhân dân nhớ ơn công đức của Ngài, cứ đến tháng 8 ngày mất của Ngài, người tổ chức lễ hội chọi trâu.
Do triều đình nhà Lê ngăn cấm nên nhân dân đã đổi thành miếu Thủy thần. Từ đó Ngài bảo hộ cho dân vùng biển nên nhân dân tôn xừng là thủy thần khu vực Đông Bắc. Trong tứ phủ gọi Ngài là ông Hoàng Tư Thủy Tề.
5. Thánh ông Hoàng Năm
Tên húy là Hoàng Công Chất.
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần.
Đền thờ Ngài ở Điện Biên
Ngài hầu Mẫu thượng Lào Cai, làm việc nội chính (nghĩa là làm trong cung). Ngài ngự đồng áo màu xanh, chít khăn mỏ rìu, mạng chéo, đi ghệt tay ghệt chân, múa cờ kiếm. Ngài ít khi ngự đồng. Sau khi ngự, làm việc và xe giá. Người có căn lục bộ khâm sai mới hầu Ngài.
Ngài hạ sinh ở Thái Bình làm quan cuối thời Lê, sau đó nổi dậy cùng ông Hoàng Tư chống lại triều đình, đóng doanh trại tại Điện Biên, Lai Châu. Ngài đắp lũy xây thành bảo an, dần diệt trừ giặc phẹt bảo vệ khai hóa các vùng Mán – Tày – Nùng. Nhân dân đội ơn Ngài tôn xưng là ông Hoàng, là chúa của bản làng. Sau này Ngài ốm và thác hóa. Con trai Ngài bị triều đình đánh dẹp, mộ Ngài bị đào lên và vứt thân y của Ngài xuống sông. Nhân dân lập đền thờ Ngài. Trong “Nam Bang thống nhất thành” xếp Ngài vào hàng Hoàng, con vua cha Bát Hải, hàng thứ năm.
6. Thánh ông Hoàng Sáu
Tên húy Ngài là: ??????
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần.
Đền thờ Ngài ở Phố Lu
Ngài hầu Mẫu và chúa bà Tuần Quán, làm việc nội bộ lục chính. Ngài ngự áo chàm đen, khăn chít mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt chân ghệt tay, ít khi ngự đồng. Khi ngự đồng Ngài hiến trà mạn và thuốc lào, múa rìu, lưng đeo cung nỏ, bên mình là con dao quăm.
Ngài hạ sinh ở Yên Bái, vào thời ????????. Dân tộc vùng nhận lệnh triều đình quản lý gỗ quý trên Yên Bái, Lào Cai. Khi Ngài đưa gỗ về triều đình, Ngài được công chúa mến yêu và đòi theo nhưng vì Ngài tự hổ thẹn với bản thân mình nghèo khổ không sánh được với công chúa nên Ngài bỏ về. Công chúa theo đến đền Tuần Quán ngày nay và hóa. Sau này Ngài tịch diệt được thờ phối hương ở đền công chúa. Thánh ông Hoàng Sáu được truyền là người tiều phu xẻ gỗ chứ không phải là Trần Tĩnh, tướng thời Trần như một số sách đã viết.
7. Thánh ông Hoàng Bảy
Tên húy Ngài là Nguyễn Hoàng Bảy.
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần.
Đền thờ Ngài ở Bảo Hà, Lào Cai.
Ngài hẫu Mẫu Đông Cuông, làm việc Khâm sai bắt lính nhận đồng. Ngài ngự áo màu thắm, chít khăn mỏ rìu, đi mạng, mặc áo trấn thủ, đi ghệt tay ghệt chân, múa hèo đi “sang hồ”. Ngài ngự đồng làm việc quan sau đó ngự tọa phán truyền, ban lộc phát tài. Tất cả ai hầu đồng đều phải hầu Ngài. Ngài là 1 trong tứ vị Khâm sai.
Ngày hạ sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh quyền, thuộc dòng chúa Nguyễn, là em của ông Hoàng Triệu (tức ông Hoàng đôi). Ngài được triều đình phái lên vùng Văn Bàn, Lào Cai chống giặc biên giới, giáo hóa dân chúng. Sau khi tử trạn thân Ngài trôi về Bảo Hà, được nhân dân vớt lên mai táng và lập đền thờ. Ngài anh linh hiện ứng, hộ quốc an dân. 17/7 là ngày tiệc Ngài.
8. Thánh ông Hoàng Tám
Tên húy Ngài là Nùng Chí Cao
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Đại Vương.
Đền thờ Ngài ở Cao Bằng (đền Kỳ Sầm).
Ngài hầu Mẫu thượng đồng đẳng, làm việc lục bộ nội chính. Ngài ngự đồng mặc áo vàng, khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt chân ghệt tay, mạng chéo, múa đôi trùy đồng và múa võ, ngự đồng hút tẩu và thuốc cuốn. Ngài ít ngự đồng. Người có căn lục bộ mới hầu Ngài.
Ngài hạ sinh thời Lý, Trần, làm chúa đất Cao Bằng. Sau khi bị triều đình đánh dẹp, bảo an các dân tộc. Sau đó Ngài về nước Chiêm, cuối cùng bị vua Chiêm giết và thả xác ra biển. Nhân dân Cao Bằng lập đền thờ Ngài. Sau khi đạo Mẫu ra đời, ngài được xếp vào hàng Hoàng.
9. Thánh ông Hoàng Chín
Tên húy Ngài là ?????
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần.
Đền thờ Ngài ở phía đảo ngoài biển Cờn.
Ngài hầu Mẫu đền Cờn, làm việc nội chính. Ngài ngự đồng khăn xếp đỏ, nét đỏ, áo the hồng, đi thơ, ít khi ngự đồng. Ngài thuộc dòng đi tu.
Ngài hạ sinh vào thời Lý ở Nghệ An, đi thi nhiều lần không đỗ, xuống tóc ra cửa Cờn lập am tu trì, cứu vớt những người đi biển và là nơi dừng chân của tàu thuyền xuôi ngược. Khi nhà Nam Tống bị đánh bại, ông vớt thân y ông Hoàng Bơ , là thái tử nhà Nam Tống, và chôn cất. Sau đó, cứu sống 3 mẹ con Mẫu Cờn, Ngài nghĩ nếu nộp họ cho quan thì sẽ phải làm nô tì, còn thả ra bước đường đời thì sẽ gặp đau khổ. Thà rằng Ngài tục huyền lấy họ để khỏi phải bơ vơ nhưng lại bị cự tuyệt, Ngài thấy buồn chán nên để lại thư và uống thạch tín quyên sinh. Sau khi Ngài tạ thế, Mẫu đọc được bức thư thấy rõ được sự tình nên đã đi ra biển quyên sinh, 2 người con thấy thế vội vàng chạy ra gọi mẹ và thác hóa. Từ đó, biển Cờn nổi tiếng anh linh, thuyền bè qua đó bị sóng to bão tố đều được chở che. Nhân dân lập đền thờ 3 mẹ con ở lạch Cờn, thờ ông Hoàng Bơ ở trên đỉnh núi và đền thờ ông Hoàng Chín ở ngoài biển, phối hương linh vị ở đền Cờn. Sau này qua thời vua Lý đánh Chiêm Thành, còn thờ thêm Thánh Mẫu thần khí nước Nam. Đến thời Lê thờ phối hương thêm Tam tòa Thánh Mẫu công đồng bốn phủ và xếp Thánh Hoàng vào hàng thứ 9, hàng Hoàng. Nhân dân gọi ông là ông Chín đền Cờn.
Hiện nay người ta lập đền ông Chín trước mặt đền Thái tử (ông Hoàng Bơ) là sai. Sự nhẫm lẫn này là thể hiện sự thiếu hiểu biết. Một số người ngự đồng Ngài, đeo kính di ba toong không khác gì ông thày bói, thật là lố bịch và bất kính. Thánh ông sinh từ thời Lý chưa có kính và ba toong. Ngài ngự đồng uống nước trà nhưng không hút thuốc. Tôi viết quyển sách này rất mong mọi người quan tâm đến đạo Mẫu, đồng bóng, nhìn nhận đúng đắn và trả lại đền Thái tử (ông Hoàng Bơ) và hầu Thánh cho đúng. Không nên cố tình tạo dáng mất đi vẻ tôn kính và lòng thành của mình.
10. Thánh ông Hoàng Mười
Tên húy Ngài là Nguyễn Xí.
Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần.
Đền thờ Ngài ở đền Củi và đền Lăng.
Ngài hầu Mẫu Thượng thiên và Mẫu phủ Dầy, làm việc khâm sai bắt lính nhận đồng. Ngài ngự đồng mặc áo vàng, chít khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt tay ghệt chân, mạng chéo, đi thơ hoặc đi hèo.
Ngài hạ sinh vào thời Lê Thái Tổ phù giúp vua Lê chống giặc Minh, sau được phong trấn đất Nghệ An. Khi ngài ngự giá ở Nghệ An, đi thăm núi Hồng bên sông Lam thì sóng nổi lên úp thuyền. thân y Ngài nổi lên phía đối diện đền Củi bên quê cha. Nhân dân vớt Ngài lên để qua 1 đêm, mối xông thành mộ, nhân dân lập lăng thờ phụng. Trải qua các đời, Ngài anh linh hiển thánh, về hầu Mẫu trong phủ Dầy trấn đất Nghệ An. Nhân dân tương truyền Ngài là ý chung nhân của Cô Bơ nhưng không thành và đền Củi là nơi lúc nhỏ Ngài thường bơi sang sông kiếm củi lập thân.
Hiện nay hầu Ngài đi cờ là sai nguyên tắc. Chỉ có những vai phụ trên sân khấu mới múa cờ hội. Ngài là anh hùng thánh đức, đâu làm việc đó, thật là không đúng. Người ta cứ nhầm tưởng câu văn hát là “lên ngựa đề cờ” hay là giá ông Bảy ông Mười dâng cờ bằng tiền giấy thì hầu ông phải múa cờ để phất, nhưng không phải thế. Trước đây chỉ có đồng đền, đạo trưởng, chủ nhang, pháp sư được cờ để dẫn quân đi trình các nơi chứ không phải như bây giờ ai cũng được cờ, ai cũng làm tướng, chẳng ai làm quân, đồng bóng trở nên hỗn độn, không còn khuôn phép. Ngưỡng mong chư vị thanh đồng biết và hiểu được vị trí của mình, và hiểu cho đúng chữ “lính có công đồng có phép” để tu dưỡng bản thân tránh hậu quả khó lường. 10/10 là ngày tiệc Ngài.
E. Thập nhị tiên cô
1. Cô Đệ nhất, cô cả thượng thiên, cô cả Vân Đình
Cô Cả có từ thời vua Hùng, theo Đức Thánh Cả giết giặc, sau cô thác hóa tái sinh làm công chúa theo vua Lê Thái Tổ diệt giặc. Đền thờ Cô ở Vân Đình. Cô ngự áo đỏ khăn đỏ, về đồng làm lễ khai quang, hiến hương và phải đốt 100 nén hương do cô thác hóa dưới sông. Cô thuộc dòng đi tu, ít ngự đồng.
2. Cô Đôi thượng ngàn, Sơn Tinh công chúa
Cô Đôi là hình bóng của Chúa thượng hiện về để cứu giúp trần gian chữa bệnh. Cô được thờ phối hương ở đền Đông Cuông và đền Đồng Đăng. Cô ngự đồng mặc áo xanh, khăn vành dây hoặc áo lá, đi giầy, khăn hoa, múa mồi, hiến thanh thủy, chứng lễ. Cô là 1 trong tứ phủ Thánh Cô thay quyền vua Mẫu chấm lính nhận đồng.
3. Cô Bơ thoải, cô Bơ thác Hàn, cô Bơ Bông
Cô là công chúa con vua thuộc dòng họ Lê đất Thanh Hóa. Cô ba sinh trong thời Lê Mạc, giúp nhà Lê chống nhà Mạc. Khi nhà Mạc chiếm thành, thái tử nhà Lê chạy về Thanh Hóa, cô làm lái thuyền chở thái tử sang sông. Thái tử thấy nhan săc cô đẹp nên sinh lòng vẩn đục. Khi ra giữa dòng, cô nhảy xuống sông tự vẫn.
Cô anh linh lững lẫy, Mẫu phong Cô là Quỳnh Hoa công chúa đứng hầu và là 1 trong tứ vị Thánh Cô chấm lính nhận đồng. Tiên cô ngự đồng khăn nét 3 màu hoặc khăn hoa, mặc áo trắng tứ thân hoặc ngũ thân, chèo hai mái chèo, múa khăn đo gió đo mây, làm thuốc phùa chú chữa bệnh. Thế gian cho cô hay hành bệnh phần hồn, tức là các bệnh về bụng.
4. Cô Tư Tây Hồ
Cô theo tương truyền là quân của Hai Bà Trưng, là hình bóng của mẫu Liễu Hạnh, làm việc nội chính hầu hạ Mẫu trong cung điện. Cô ít ngự đồng, khi ngự đồng mặc áo vàng khăn vàng, làm lễ khai quang rồi xe giá.
5. Cô Năm Đồng Tiền, cô Năm Sơn trang, cô Năm suối Lân
Cô Năm Đồng Tiền ngự ở Đồng Tiền, Tuyên Quang. Cô là quân của Hai Bà Trưng anh linh hiển hóa thao hầu Mẫu Tuyên. Tiên cô ít ngự đồng, khi ngự đồng mặc áo lá màu xanh, khăn hoa, làm lễ khai quang, múa mồi, ban tài phát lộc. Cô còn ngự ở đền Suối Lân hầu Chầu Năm Suối Lân
6. Cô Sáu Sơn trang
Cô hầu Mẫu Thượng Ngàn, hầu Mẫu Lục cung, Chầu Lục cung nương. Đền thờ Cô ở Chầu Lục Hữu Lũng (Lạng Sơn) và các vùng tràng châu như vùng Thanh Hóa.
Cô có tiếng anh linh, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Trước đây cô ít về đồng vì tính cô cương trực và dữ, khi làm thuốc chữa bệnh mới loan giá hầu cô nhưng hiện nay hầu như đều bắc ghế hầu cô. Tuy nhiên mới mở phủ thì không được hầu cô. Cô về đồng ngự áo lam áo chàm, khăn hoa khăn củ ấu, làm lễ khai quang, múa mồi, làm lễ chữa bệnh bốc thuốc.
7. Cô Bảy Tân La, cô Bảy Mỏ Bạch, cô Bảy Kim Giao
Tiên cô là võ sĩ theo hầu Chầu Bảy, người Mọi, đất Thái Nguyên, khi thất trận về Tân La thủ tiết cùng Chầu Bà. Cô ít ngự đồng, khi ngự đồng mặc áo vàng hoặc áo trắng, khăn hoa, đi cờ kiếm.
8. Cô Tám đồi chè
Cô Tám hầu Mẫu Thượng và Mẫu Thoải, là tướng sĩ của Hai Bà Trưng. Đền thờ cô ở Hàn Sơn Thanh Hóa. Cô ít ngự đồng, khi ngự đồng mặc áo lá xanh, khăn chữ nhân hoặc khăn hoa, làm lễ khai quang, múa mồi và ban phát tài lộc.
9. Cô Chín Cửu Tỉnh, cô Chín Sòng Sơn, cô Chín Âm Dương, cô Chín Thượng thiên, cô Chín Thượng ngàn, cô chín Giếng
Tất cả là một Cô, anh linh lừng lẫy, được sắc phong la giáng là Quế Hoa công chúa thay quyền vua Mẫu chúa Chầu dưới cõi trần gian. Tiên cô là hiện thân của Mẫu Sòng Sơn. Cô còn là hình dáng của bà nẫu cháo khao quân sĩ vua Quang Trung trên đường ra Bắc. Tiên cô anh linh lừng lẫy khắp nơi vùng Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Thời Nguyễn cho phá miếu thờ Cô sau đó Minh Mệnh phải sắc phong, phục dựng tôn nhang đền thờ cô ở Sòng Sơn và tại đô thành Huế, Điện Hòn Chén. Cô ngự đồng khăn hồng áo hồng, múa quạt, múa khăn, dệt gấm, thêu hoa, làm thuốc chữa bệnh. Tiên cô là 1 trong tứ vị Thánh Cô chấm lính nhận đồng. Thế gian cho cô hay hành bệnh phàn vía, tức là bệnh đau đầu và điên rồ.
10. Cô Mười Mỏ Ba
Cô vốn là dòng người Nùng theo hầu Chầu Mười. Cô ít khi ngự đồng, khi ngự mặc áo màu vàng, chít khăn hoa khăn tai mèo, về đồng làm lế khai quang rồi xe giá.
11. Cô Bé Bắc Lệ, cô Bé Suối Ngang, cô Bé Na Sầm
Tiên cô là người Nùng, quê nhà ở Suối Ngang, hầu Chầu Bé Bắc Lệ. Cô ngự đồng mặc áo xanh lam, khăn hoa, đội nón, khăn vành dây, tết tóc, thắt đai hoa giọt ngắn giọt dài đằng sau đằng trước. Tiên cô múa mồi, đi chợ, ban tài phát lộc. Tiên cô là 1 trong tứ vị chấm lính nhận đồng
12. Cô Bé bản đền
Bản đền công chúa là tiên Cô ở tại bản đền đó. Khi ngự đồng mặc áo từng miền, khi là người Kinh, khi là người Thượng và tùy thuộc vào sắc thái Chầu bà chính cung của bản đền đó. Cô vè làm lễ khai quang chứng lễ vật. hiện nay ít người hầu tiên cô.
F. Thập vị Thánh Cậu
Có 10 vị Thánh Cậu đều được thờ ở Đồi Ngang nhưng chỉ có 4 vị được cắt cử đi chấm lính nhận đồng và loan giá ngự đồng.
1. Cậu Cả Thượng thiên
Hiện ở phủ Dày Thiên Bản.
Cậu về đồng mặc áo đỏ, hoa thắt hai tay, đeo mạng chéo, khăn chít mỏ rìu, ngự về làm lễ khai quang, múa hèo, phán ngự thông truyền. Tuy là cậu bé Khâm sai nhưng ít về đồng vì cậu thuộc dòng đệ nhất đi tu.
2. Cậu Đôi Thượng Ngàn, cậu Bé Đồi Ngang
Cậu Đôi hầu Mẫu Sòng Sơn và Phố Cát Đồi Ngang. Cậu về đồng mặc áo màu xanh, thắt khăn hoa, đeo mạng chéo, khăn chít mỏ rìu, đi ghệt chân, ngự về làm lễ khai quang, múa hèo, phán ngự thông truyền, ban tài phát lộc.
3. Cậu Bơ Thoải
Cậu hầu Mẫu Hàn Sơn. Cậu về đồng ngự áo màu trắng, thắt hoa, khăn chít mỏ rìu, đeo mạng, đi ghệt chân, múa hèo, chèo thuyền, làm lễ, phán ngự thông truyền, ban tài phát lộc.
4. Cậu Bé bản đền
Cậu bé bản đền hầu tại bản đền đó. Cậu về đồng mặc áo màu xanh, khăn mỏ rìu, thắt hoa, đeo mạng chéo, đi ghệt chân, ngự đồng làm lễ khai quang, múa hèo, múa võ, đánh tập tầm vông, múa sư tử, ngự đồng hiến tửu, nghe thơ, ban tài phát lộc.


Nguồn Bài Viết : www.dongaphu.vn - CLB BẢO TỒN PHỤC DỰNG VĂN HOÁ TÂM LINH VÀ ĐẠO MẪU VIỆT NAM THEO LỐI CỔ: http://www.dongaphu.vn/2011/05/fhfdh.html#ixzz1okYoa4iF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét